Tóm Lược Bài Giảng ngày 06 tháng 1 năm 2019
của Đức Ngài Hoàng Di Thiên
Điểm Mấu Chốt:
Ở cấp độ rốt ráo nhất, ba dòng giáo pháp lớn (Tam Giáo) như ba dòng sông lớn chảy về cùng một biển, có cùng một vị mặn, là vị giải thoát. Tất cả đều có khả năng đưa người “đáo bỉ ngạn”.
Bài Giảng:
Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Từ Tôn đã từng nói trong một đàn cơ của Cao Đài, vào ngày 14 tháng 8 năm Bính Thìn 1976 (?), như vầy:
“Tâm cùng Trời Đất huyền đồng,
Thân hoà Vạn Hữu ngoài vòng biển mê.
Là con đem Đạo Bồ Đề,
Đất Trời Vạn Vật quay về một Tâm.”
Huyền đồng là thế nào? Lão Tử nói: “Giải kỳ phân, hòa kỳ quang, đồng kỳ trần, thị vị huyền đồng”. Tạm giải nghĩa là: Bỏ chia phân, hòa ánh sáng, đồng bụi bặm, ấy gọi là Huyền Đồng.
Ba chữ “giải kỳ phân” của Lão Tử nếu nói theo ngôn ngữ Phật gia là không thấy 4 tướng nhân, ngã, chúng sanh, thọ giả. Tức là tất cả các tướng hữu vi đều lìa. Bồ tát “không chỗ trụ trước mà sanh tâm thanh tịnh” (Kinh Kim Cang), “phải rời lìa tất cả tướng phát tâm chánh đẳng chánh giác” (Kinh Kim Cang). Mà “rời lìa tất cả tướng chính đó gọi là chư Phật” (Kinh Kim Cang). “Bỏ chia phân, hòa ánh sáng, đồng bụi bậm” là trạng thái “lìa tất cả tướng” “sanh tâm thanh tịnh”. “Tâm huyền đồng cùng vũ trụ” chính là “tâm chư Phật” không hai không khác.
Trong Kinh Như Lai Viên Giác Trực Chỉ Đề Cương, Uy Đức Tự Tại Bồ Tát hỏi Đức Thế Tôn “cần phải làm gì và có bao nhiêu phương cách để vun bồi trí tuệ, hầu tỏ ngộ diệu tánh Viên Giác.” Đức Thế Tôn nói với Uy Đức Tự Tại Bồ Tát “Vô thượng diệu giác phổ biến khắp mười phương, sản sanh ra chư Như Lai và tất cả pháp bình đẳng đồng thể” và tuyên lại nghĩa trên với bài kệ:
“Uy Đức ông nên biết
Viên giác tâm vô thượng
Bản chất không hai tướng,
Tùy thuận mở phương tiện.
Pháp môn có rất nhiều
Như Lai tóm kết lại
Phương thức có ba điều.
Tịch tĩnh XA MA THA
Như gương in ảnh tượng.
NHƯ HUYỄN TAM MA ĐỀ
Như đất nuôi mọng mạ.
THIỀN NA sâu tịch diệt
Như tiếng ngân và chuông.
Ba pháp môn màu nhiệm
Đều tùy thuận Viên Giác.
Mười phương các Như Lai
Và chư Bồ tát chúng
Nhơn đấy được thành đạo.
Ba pháp, tu viên mãn.
Được cứu cánh Niết bàn.”
“Phổ biến khắp mười phương, tất cả pháp bình đẳng đồng thể" mà Đức Thế Tôn nói cũng chính là “thị vị huyền đồng” mà Đức Lão Tử nói, là "diệu tánh Viên Giác sản sinh ra Như Lai". Tất cả rõ ràng chẳng cần phải giải thích thêm một lời nào nữa.
Như vậy, "tâm Viên Giác Vô Thượng" mà Đức Thế Tôn tuyên nói không hai không khác với “Tâm cùng Trời Đất huyền đồng” mà Mẹ Diêu Trì đã nói, không khác với tâm “giải kỳ phân, hòa kỳ quang, đồng kỳ trần” mà Lão Tử đã nói. Là tâm “vô thượng diệu giác”, là tâm “sản sinh ra chư Như Lai”. Thấy như vậy rồi, hiểu như vậy rồi “Là con đem Đạo Bồ Đề, Đất Trời Vạn Vật quay về một tâm” (Diêu Trì Kim Mẫu).
Thích đã nói vậy, Lão đã nói vậy, còn Khổng-Mạnh thì nói sao?
Đức Khổng Tử nói rằng “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện. Tri chỉ nhi hậu hữu định, định nhi hậu năng tĩnh, tĩnh nhi hậu năng an, an nhi hậu năng lự, lự nhi hậu năng đắc” (thiên Đại Học, sách Lễ Ký). Hai câu này tạm dịch nghĩa: cái đạo của sự học tới tột cùng là cốt để làm sáng cái đức nơi mình, cốt để đổi mới tự thân, cốt để ngưng ở chỗ chí thiện. Biết ngưng thì được định, định thì tới tĩnh, tĩnh thì tới an, an thì tới suy nghĩ sâu xa, suy nghĩ sâu xa thì tới đắc. Hai câu này là cốt lõi của Đạo Khổng Mạnh.
Ngài nói “suy nghĩ sâu xa thì tới đắc”, nhưng mà đắc cái gì? Thưa là đắc cái “minh minh đức”. Hành trình từ “ngưng” để có được “định” cho tới đắc “minh minh đức” nói theo ngôn ngữ của nhà Phật thì đó là hành trình từ Định tới Tuệ. Hay nói cách khác theo ngôn ngữ pháp môn tu tập thì đó là phương pháp Chỉ Quán. Cái “minh minh đức” đó không hai không khác với “minh tâm kiến tánh” của Phật pháp. “Chỉ” là “ngưng”, là “buông xả vạn duyên”, là “lìa tất cả tướng”, là “không môn”, là “chân như môn”, là “vô vi pháp”. Còn “Quán” là “suy nghĩ sâu xa” tới chỗ “lý giải thù thắng” thuộc về “sinh diệt môn”, “là hữu vi pháp”. Còn “Định”, “tri chỉ nhi hậu hữu định”, chính là tâm thanh tịnh hiện tiền, là cảnh giới Thiền Định. Trong hai câu Đức Khổng Tử đã gom trọn giáo nghĩa không nằm ngoài Phật Pháp.
Trong đoạn kệ ở trên Đức Phật chỉ ra cho Uy Đức Tự Tại Bồ Tát thấy rõ rằng dầu phương tiện/pháp môn có nhiều nhưng tóm lại không ngoài ba phương pháp. Đó là: Chỉ, Quán, Thiền. “Tịch tĩnh Xa Ma Tha, như gương in ảnh tượng” là nói Chỉ. “Như Huyễn Tam Ma Đề, như đất nuôi mọng mạ” là nói Quán. “Thiền Na sâu tịch diệt, như tiếng ngân và chuông” là nói Thiền Na cũng là Chỉ Quán đồng hành.
Như vậy thì rõ ràng là giáo lý cốt lõi của Đức Khổng Tử nằm trong hai câu trên hoàn toàn tương ưng với giáo lý và pháp môn của Đức Phật giảng dạy.
Và chúng ta nên nhớ rằng câu hỏi của Uy Đức Bồ Tát là “cần phải làm gì và có bao nhiêu phương cách để vun bồi trí tuệ, hầu tỏ ngộ diệu tánh Viên Giác” cho nên sự tương ưng đó cũng có nghĩa là “đại học chi đạo” của Đức Khổng Tử cũng sẽ dẫn tới chỗ “vun bồi trí tuệ”, tới chỗ “tỏ ngộ diệu tánh viên giác”, cũng dẫn tới chỗ “Tâm cùng Trời Đất huyền đồng”, cũng dẫn tới chỗ “Giải kỳ phân, hòa kỳ quang, đồng kỳ trần”. Là cái gọi là “chỉ ư chí thiện”.
Kinh của Cao Đài cũng đã cảnh tỉnh thế gian về vấn đề này trong hai câu đơn giản "một cội sanh ba nhánh in nhau, làm người phải rõ lý sâu". Đệ tử của Huyền Không Thiên Đạo cần nắm rõ và "y giáo phụng hành".